Những điều cần tránh khi ôn thi tốt nghiệp THPT
Một mình đối mặt với “núi” bài tập đồ sộ sẽ không gặp sự cố nếu teen chủ động phòng tránh các “căn bệnh” sau.
Để việc ôn luyện đạt được hiệu quả cao nhất, ngoài thời gian học tập và trao đổi trên lớp, teen nên dành nhiều thời gian để một mình mày mò, giải mã các kiến thức đã học.
Một mình đối mặt với “núi” bài tập đồ sộ sẽ không gặp sự cố nếu teen chủ động phòng tránh các “căn bệnh” sau:
1. Lười biếng
Ôn luyện một mình và không bị ai kiểm tra, giám sát - đó là cơ hội để teen cư xử dễ dãi với chính mình.
Ngồi vào bàn học được mươi phút đã thấy nản, gặp một bài toán khó đã ngáp dài ngáp ngắn, học thuộc chưa đến một trang vở môn Lịch sử đã lăn đùng ra ngủ,… Khi những ham muốn trỗi dậy không đúng thời điểm, lại gặp phải chủ nhân mắc bệnh lười biếng thì mọi chuyện đang trong giai đoạn hoàn thành vẫn có nguy cơ bị đưa về mốc số 0 tròn trịa.
2. Khất… bài vở
Bài vở quá nhiều, làm hoài không hết là nguyên nhân chính khiến teen hay “dở chứng” khất bài vở qua ngày hôm sau.
Nhiều teen đã kiên quyết và vạch kế hoạch học tập hẳn hoi, trong ngày hôm đó phải làm hết từng đó bài tập. Nhưng khi có chướng ngại vật bất ngờ chen ngang, teen lại tự nhủ “Vẫn còn nhiều thời gian mà, mai làm có chết ai đâu” và đống bài tập của hôm nay được “chuyển nhượng” qua ngày hôm sau. Cứ như thế cho đến ngày thi, teen chỉ còn nước “vắt chân lên cổ mà chạy” và tất nhiên, hậu quả của thói quen này như thế nào chắc teen không khó để mường tượng ra.
3. Nhanh nản
Đây là biểu hiện thường thấy ở những teen không tự tin vào sức học của mình hoặc không đủ kiên nhẫn khi gặp phải những bài toán hóc búa, cần tư duy, động não.
Chữa căn bệnh này không khó, quan trọng là teen có tự giác khi đã ngồi vào bàn học và hạ quyết tâm “chiến đấu” đến cùng hay không. Tham khảo ý kiến từ bạn bè, thầy cô là phương án tối ưu giúp teen định hình hướng suy luận ban đầu cho mình. Việc tiếp theo cần làm là hiểu và nắm từng chi tiết trong bài giải. Sau đó thử tìm một bài na ná bài làm đã “cầu cứu” người thân và tự tìm tòi cách giải hợp lí. “Nước chảy đá mòn”, rồi teen sẽ nắm thuần thục và đủ dũng cảm “hạ gục” dạng bài đó khi gặp lại nó thôi.
4. Tham lam
Nhiều teen cảm thấy lo sợ khi phải ôn thi nhiều môn nên tự tạo áp lực tâm lí cho mình. Một trong những biểu hiện cho “chứng bệnh” này là: ôn môn này chưa được 5 phút đã vội vàng gấp tập sách, rồi lục lọi tìm tài liệu của môn khác ra học, trong đầu luôn mang nặng tư tưởng: “Học môn này thì môn kia ai học?”.
Chính lí do ôm đồn, không biết sắp xếp thời gian hợp lí dễ khiến các môn học của teen rơi vào trạng thái “không đến nơi đến chốn”. Điều này dẫn đến thực trạng: nhiều teen phải chấp nhận kết quả bài thi chưa cao và chưa phản ánh đúng năng lực thực sự của mình. Vì nếu cùng đề thi đó, cùng thời gian đó, teen biết cách phân bổ thời gian ôn thi phù hợp hơn thì chắc chắn kết quả đạt được sẽ tương xứng với công sức lao động bỏ ra ban đầu.
5. Phân tâm
Nhằm tạo điều kiện cho con em mình có thêm cơ hội tiếp cận và học hỏi kiến thức cho kì thi Tốt nghiệp, nhiều bậc phụ huynh không ngại ngần đầu tư cả dàn vi tính xịn cho con em mình. Nhưng học tập, mở mang kiến thức thì ít, mà xem phim, chat chit thì nhiều.
Ngồi trước màn hình máy tính, đa phần các teen không thể cưỡng lại những cám dỗ đang phô bày từ thế giới ảo. Vậy là, vừa đọc được vài chữ hoặc mới đặt bút tìm lời giải cho một bài toán, teen vừa gõ bàn phím lia lịa. Hậu quả tất yếu là kiến thức vào đầu sẽ chữ được chữ mất. Bí quá thì khi làm bài, teen sẽ sử dụng quái chiêu “lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia”.
Kết
Tự tạo hứng thú cho mình trong việc học là “liều thuốc” đầu tiên và cũng là “thần dược” giúp teen nhanh chóng loại bỏ những “căn bệnh” nan y nêu trên. Đồng thời thể hiện trách nhiệm với bản thân và làm việc hết sức mình là teen đang chứng tỏ bản lĩnh của người chiến thắng đấy.
Bồ Công Anh