Luyện thi các môn năng khiếu
Đa số chúng ta thường quan tâm đến những khối thi chính như A, B, C, D1… mà quên mất sự có mặt của các khối năng khiếu còn lại.
Thực tế, những bạn ôn thi khối năng khiếu thường thiệt thòi hơn những bạn khối khác vì họ không có kĩ năng ôn luyện cụ thể với các môn thiên về sở trường của mình.
Dù có năng khiếu thiên bẩm, bạn vẫn phải theo các quy tắc, chuẩn mực nhất định mới dễ dàng được điểm cao trong kì thi đại học. Có thể vài khối năng khiếu có điểm chuẩn không cao, nhưng không phải vì thế mà các bạn ỷ lại và không chịu ôn luyện kĩ lưỡng. Bài viết này dành cho những bạn sẽ thi các khối đặc biệt có được kĩ năng luyện thi môn năng khiếu của mình.
Ngoại ngữ (không phải tiếng Anh) — khối D2, D3, D4, D5, D6
Các khối này khác nhau ở môn ngoại ngữ. 5 khối thi tương ứng với 5 thứ tiếng: Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Về cơ bản, kĩ năng học ngoại ngữ là như nhau, chỉ cần bạn có phương pháp học tập sao cho nắm vững về từ vựng và cấu trúc ngữ pháp. Với ngoại ngữ không phải tiếng Anh, bạn mất thời gian nhiều hơn để học vì đây là những môn ngoại ngữ hiếm. Hơn nữa, đã làm quen với tiếng Anh ở 6 năm phổ thông nên bạn có thể dễ dàng mua sách về tự học, còn các thứ tiếng khác, việc này không hề dễ dàng. Vì vậy, ngoài những kĩ năng học giống tiếng Anh, bạn cần áp dụng những phương pháp sau:
Học chung với một bạn người bản xứ hoặc một bạn cùng học ngoại ngữ ấy giống bạn: việc này giúp bạn có sự quyết tâm cao độ hơn và cả hai cùng có động lực để trau dồi kiến thức. Người bạn này như một “gia sư” cho bạn và ngược lại.
Các đề thi trên mạng chẳng bao giờ thiếu. Hãy in ra để làm dần. Bạn không có nhiều sự lựa chọn vì tư liệu cho ngoại ngữ của bạn không nhiều. Muốn ôn đúng trọng tâm, hãy tìm chi tiết trên mạng. Những quyển sách ngoại ngữ chỉ giúp bạn nắm vững lí thuyết, không thể giúp bạn luyện thi.
Nên đi học thêm tại các trung tâm ngoại ngữ, nếu có những lớp luyện thi riêng cho ngoại ngữ ấy thì càng tốt. Bạn không thể tự học một mình. Chính thầy cô sẽ giúp bạn “khoanh vùng” những dạng thường ra tthi.
Năng khiếu mỹ thuật — khối V và H
Ở hai khối này, vẽ là môn quan trọng. Bên cạnh năng khiếu sẵn có, bạn cần luyện vẽ tượng và vẽ màu theo những nguyên tắc nhất định. Một kĩ năng thú vị được nhiều bạn thi Kiến Trúc và Mỹ Thuật truyền tai nhau, đó là: “Nên biết vẽ điêu luyện một họa tiết nhất định. Sau đó từ họa tiết “tủ” mà mình đã luyện, bạn có thể liên hệ với họa tiết trong đề thi và biến tấu lại. Sự sáng tạo này có thể mang lại cho bạn điểm cao đến không ngờ”. Phương Thảo (sinh viên năm 2 Đại học Kiến Trúc) cho biết: “Năm mình thi, đề bắt vẽ con cá, nhưng suốt một năm, mình luyện vẽ bướm cách điệu. Khi đó mình khá lo lắng vì trong 3 tiếng đồng hồ mình không thể nghĩ ra họa tiết con cá để vẽ kịp được. Do vậy, mình “biến tấu” dựa trên các nét vẽ từ bướm mà mình luyện trước đó. Lần thi năm ấy cứ ngỡ là rớt, ai dè mình được 8 điểm”.
Với bài vẽ tượng bằng chì, bạn càng luyện nhiều, bạn càng lên tay. Nên đầu tư cho những dụng cụ vẽ chuyên dụng. Bạn cần học tính kiên nhẫn. Có thể một ngày bạn chỉ luyện vẽ được 2 bài nhưng 2 bài này chất lượng, còn hơn bạn vẽ được 4 bài nhưng bức vẽ lem nhem, độ đậm nhạt, sáng tối không rõ nét.
Năng khiếu thể dục thể thao — khối T
Nên dậy sớm để rèn luyện sức khỏe mỗi ngày, đồng thời tạo thói quen để bạn có sức đề kháng tốt và sức chịu đựng cao. Bên cạnh việc tập luyện những môn thể thao bắt buộc như: chạy cư li ngắn, bật tại chỗ, gập thân, bạn cần tập thêm nhiều kiểu khác như xà đơn, hít đất, lắc vòng… để các cơ tay, cơ vùng bụng, cơ bả vai…đủ sự dẻo dai để có sức khỏe tốt khi thi. Ngoài ra, nên chọn cho mình một môn thể thao ưa thích và tập luyện mỗi ngày (cầu lông, bóng rổ, bơi lội, bóng đá…). Những lúc rảnh rỗi, nên tập yoga để cân bằng tinh thần.
Năng khiếu nhạc — khối N
Với phần thẩm âm và tiết tấu, điều này dựa trên lí thuyết và buộc phải nắm vững. Riêng với phần thanh nhạc, ngoài việc hát đúng, sự đậu — trượt còn tùy thuộc vào một chút may mắn và cảm nhận riêng từ giám khảo. Vì vậy, bạn nên giữ giọng, không nên ăn những thức ăn quá lạnh, quá cay, quá nóng — tránh bị viêm họng trước ngày thi. Ngoài ra, nên luyện giọng thường xuyên. Bất cứ khi nào rảnh, hãy hát để tạo thói quen và rèn luyện sự tự tin, tránh bị “lạc giọng” khi thi. Nên chọn những bài hát ở âm vực trung bình. Nếu luyện quá thấp bạn sẽ không lên nổi nốt cao, nhưng hát liên tục những bài có âm vực quá cao sẽ hại đến chất giọng.
Năng khiếu điện ảnh - khối S
Điều này thuộc về khả năng thiên bẩm của bạn. Bạn cũng không thể đoán trước được đề thi, nhưng hãy tập luyện bằng cách đứng trước gương và diễn biểu cảm cơ mặt. Ngoài ra, thêm tham gia các buổi diễn xuất tại nhà văn hóa, nhà thiếu nhi, giao lưu với các hội nhóm yêu thích diễn xuất, làm quen với những bạn yêu thích nghễ diễn… Đó là những bước đệm để bạn gia tăng cơ hội trở thành sinh viên ngành điện ảnh.
Năng khiếu mầm non — khối M và năng khiếu báo chí — khối R
Với năng khiếu mầm non, ngoài việc biết hát, kể chuyện, đọc diễn cảm, bạn cần có năng khiếu tiếp xúc với trẻ con. Hãy thử trình diễn trước em, cháu, những đứa trẻ từ 5 đến 8 tuổi và lắng nghe ý kiến của chúng.
Với năng khiếu báo chí, nên đọc báo mỗi ngày để quen với văn phong ở mỗi thể loại tin bài. Ngoài ra, nên rèn viết mỗi ngày theo chủ đề tự chọn, có thể là một mẩu tin ngắn hay một bài phóng sự dài tùy vào sở thích của bạn, sau đó nhờ một sinh viên báo chí nào đó sửa lỗi giúp bạn.